Người tù cô đơn và bị phân biệt đối xử (Phần I) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
4 tháng 8, 2016

Người tù cô đơn và bị phân biệt đối xử (Phần I)

TNCG: Tháng 8.2013 tôi bị chuyển từ trại giam Nghi Kim (Nghệ An) ra trại giam Nam Hà sau khi chung án phúc thẩm 4 năm tù giam. Bắt đầu từ đây tôi đã cùng ăn, cùng sống và chứng kiến cảnh tù đày của những người tù chính trị cô đơn và thấu hiểu rõ ràng hơn những đau khổ mà họ phải gánh chịu trong ngục tù cộng sản ghê gớm như thế nào.
Buồng giam số 10, phân trại I được gọi là buồng giam tù chính trị, được chia ra làm 4 nhóm, nhóm dân chủ, nhóm Tây Nguyên, nhóm Tây Bắc, và nhóm làm gián điệp cho Trung Quốc. Nhóm người Tây Nguyên và Tây Bắc là nhóm cực khổ nhất và cũng bị phân biệt đối xử nhất trong buồng giam số 10.

Ông Siu Bler, sinh năm 1962, bị án 17 năm trong vụ Người Thượng biểu tình phản đối chính quyền trong nước “đàn áp người dân tộc thiểu số” ở Tây Nguyên hồi năm 2004 là một trong rất nhiều người Thượng bị bắt, đánh đập, tra tấn và giam tù một cách khốc liệt.
Ông Siu Bler người ở làng Iamoi, xã Iapet, huyện ĐăkĐoa, tỉnh Gia Lai. Ông Siu là tín hữu của đạo Tin Lành. Ông sống hiền lành, nhẹ nhàng và rất chăm chỉ trong công việc. Trong suốt hai năm ở cùng ông thì tôi biết chỉ có một lần gia đình ông từ Gia Lai đến thăm nuôi khi ông bị đột quỵ và phải chuyển ra bệnh viện Hà Nam điều trị hai tuần.
Sau khi bị đột quỵ, ông bị liệt nửa người, miệng méo, tay trái hoạt không hoạt động được trong một thời gian dài. Tôi lãnh nhận công việc chăm sóc ông thời gian ông bị bệnh.
Trước đó, khi tôi mới nhập trại được một thời gian, thấy cuộc sống trong tù của ông vất vả, tôi mới đem lòng ngõ ý muốn chia sẻ cùng với ông trong đời sống hàng ngày. Ấy thế mà, lãnh đạo của trại mời ông lên làm việc, rồi cấm đoán chúng tôi không được ăn cơm cùng nhau.
Lãnh đạo trại giam dọa ông Siu nếu sinh hoạt cùng tôi sẽ ảnh hưởng đến việc giảm án nên ông Siu Bler về nói với tôi. Nghĩ thương ông bị cán bộ trại đe dọa, tôi đành tách ra ăn riêng nhưng vẫn ngồi cạnh chia sẻ cùng ông. Nhìn ông trong cuộc sống của cảnh tù không gia đình, không tiền bạc, lầm lũi, hiền lành mà nhiều lúc tôi tràn nước mắt.
Ông Bler cùng các bạn tù Tây Nguyên và Tây Bắc làm việc rất chăm chỉ nhưng lại thường xuyên bị phân biệt đối xử trong trại giam. Đơn cử việc giảm án. Ông Siu làm việc tốt, chăm chỉ, không vi phạm các quy định của trại, xếp loại cải tạo khá tốt nhưng đến kỳ giảm án thì giảm án chỉ được 3 tháng vào kỳ xét giảm 2.9.2014. Ngược lại những người làm gián điệp cho Trung Quốc thì giảm án tới 10, 12, 15 tháng.
Những người làm gián điệp cho Trung Quốc có đời sống tù rất thoải mái, họ tụm ba tụm năm ăn cơm với nhau, họ làm việc nhẹ nhàng, ít thời gian, và thậm chí chẳng làm việc gì, ấy thế mà được xếp loại tốt, gương mẫu ?!
Ông Siu Bler rất sùng đạo, ông đọc Thánh Kinh hằng ngày, dù lúc khỏe mạnh hay ốm đau, đọc xong rồi ông hay viết lại Lời Chúa. Trại giam luôn tìm mọi cách để ngăn cản việc thực hành Tôn Giáo. Ngày lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh đều phải đi làm việc. Họ cấm những người theo đạo tề tựu lại cầu nguyện trong những dịp Lễ Trọng.
Cuộc sống của chúng tôi trong buồng giam chính trị quả thật bị o bế đến ngạt thở, mấy chục con người quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong một khu nhà giam, xưởng làm việc và sân vườn mấy trăm mét vuông. Người nào không có gia đình thăm nuôi, không đi khám bệnh thì cả năm không được ra khỏi cổng buồng giam.
Ông Siu Bler chỉ là một trong rất nhiều trường hợp là người tù cô đơn và bị phân biệt đối xử. Hiện tại ông vẫn còn phải thụ án ít năm nữa, giờ đây tôi viết về ông cũng là dịp ông được xét giảm án, không biết rồi năm nay ông được giảm án như thế nào đây?
Kỷ niệm một năm ra tù nhớ về những người tù cô đơn
Paulus Lê Sơn
(Còn tiếp)
Người tù cô đơn và bị phân biệt đối xử (Phần I) Reviewed by Người Cộng Sự on 8/04/2016 Rating: 5 TNCG: Tháng 8.2013 tôi bị chuyển từ trại giam Nghi Kim (Nghệ An) ra trại giam Nam Hà sau khi chung án phúc thẩm 4 năm tù giam. Bắt đầu từ ...

Không có nhận xét nào: