Người Công Giáo Việt Nam Đi Bầu Cử Có Thể Phạm Tội - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 5, 2016

Người Công Giáo Việt Nam Đi Bầu Cử Có Thể Phạm Tội

GNsP: Nhiều người giáo dân Việt nam đang hoang mang trước ngày bầu cử tại Việt nam ngày 22 tháng 5 sắp tới. Hoang mang vì một đàng họ biết là bầu cử ở Việt nam vừa gian dối lừa lọc vừa bất công, thiếu dân chủ, chỉ có bầu người mà đảng cộng sản chỉ định, đàng khác, họ lại bất ngờ khi có vị giám mục khuyến khích tín hữu đi bầu cử.

Các vị trích dẫn văn kiện Toà Thánh để chứng minh đi bầu cử là nghĩa vụ công dân! Nhưng có một điều người Công giáo Việt Nam phải hiểu rõ: nếu vị Giám mục nào khuyên đi bầu cử, thì các ngài chỉ làm theo lệnh nhà nước cho yên thân làm mục vụ, chứ chắc chắn trong thâm tâm các ngài hiểu rõ việc bầu bán bất minh ở Việt nam.

Các ngài biết rằng nhà nước chẳng tin gì ở các ngài và chính các ngài cũng chẳng tin gì ở nhà nước. Lý do là vì các ngài học cao hiểu rộng và “sống chung với lũ” nhiều năm rồi.Có đúng là Giáo Hội muốn giáo dân, đặc biệt là giáo dân Việt Nam, đi bầu cử hay không? Chúng ta cần tìm hiểu và suy tư thật kỹ càng, nếu không, chúng ta có thể phạm tội đồng loã với cái ác và vô tình làm hại đồng bào mình.


Các vị khuyên đi bầu cử thường nại đến Thánh Công Đồng Chung Vatican II trong Hiến Chế Gaudium et Spes (Hiến Chế về Mục Vụ của Giáo Hội trong Thế Giớ Ngày Nay): “mọi công dân cần phải nhớ tới quyền lợi và đồng thời là bổn phận của họ trong việc tự do xử dụng lá phiếu của mình để mưu cầu công ích. Giáo Hội ca ngợi và quí trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này” (số 75).

Khi các ngài nhắc đến số 75 của Hiến Chế Gaudium et Spes, thì có lẽ (người viết suy đoán) là các ngài cũng muốn người tín hữu đọc lại số 74 để hiểu sâu hơn. Trong số 74, Giáo Hội dạy phải phục vụ công ích và tuân phục công quyền nếu nó “nằm trong giới hạn của trật tự luân lý để đem lại kết quả và mưu cầu công ích”.

Trong số 74 ấy, Giáo Hội dạy rõ: “Trong khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi của công ích. Nhưng họ được phép bênh vực quyền lợi của riêng mình cũng như của đồng bào chống lại những lạm dụng của công quyền, tuy nhiên phải tôn trọng những giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Phúc Âm”. Nghĩa là người tín hữu “không nên từ chối” những gì công ích đòi hỏi và phải “chống lại lạm dụng của công quyền”.Và các ngài kêu gọi bầu cử, chọn người có khả năng, có đạo đức vân vân. Nếu tinh ý, chúng ta sẽ thấy lời kêu gọi của các ngài là chung chung, không nhằm vào cuộc bầu cử của chế độ cộng sản ngày 22 tháng năm này vì hai lý do mà chúng ta phân tích dưới đây.

Thứ nhất, Giáo Hội kêu gọi chúng ta thi hành bổn phận công dân, bỏ phiếu chọn người tài đức đề “mưu cầu công ích”. Nhưng trong hoàn cảnh Việt nam ngày nay, không ai có quyền tự ứng cử thì việc bầu cử tự nó là vô hiệu. Những người được gọi là ứng cử viên là người của đảng cộng sản hoặc do đảng chọn, luôn nói theo ý đảng, nên việc bầu cử chỉ là trò hề trên sân khấu. Người Công giáo đi bầu cử là phạm tội đồng loã với cái xấu, cái gian ác và lừa lọc.Trong tình huống này, chính Giáo Hội dạy chúng ta: “Tình yêu Kitô giáo sẽ đưa chúng ta tới chỗ tố cáo, đề nghị và dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội; tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần của mình” (Học Thuyết Xã Hội Công Giáo số 6). Không những ta không được đi bầu cử, mà phải lên tiếng tố cáo cái gian tà trong “những dự án văn hoá và xã hội” nữa.

Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong viết: “Trong bối cảnh như thế, có lẽ cần phải khước từ tham gia vào màn kịch giả hình, bởi vì nó đi ngược lại với “các đòi hỏi của luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người”, nhất là “đi ngược với giáo huấn của Tin mừng”.Giáo lý Công Giáo (số 2242) dạy chúng ta “Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với lương tâm ngay thẳng, Kitô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Nếu chúng ta đã biết rõ bầu cử chỉ là trò hề trẻ con, mua vui cho thế gian, tốn công sức tiền bạc của đồng bào, mà chúng ta đi bầu cử, là chúng ta tham gia vào vũ điệu tà thần, và như thế, chúng ta sẽ ăn nói thế nào với những người công chính?

Thứ hai, một số vị giáo sĩ kêu gọi chúng ta đọc lại Hiến chế Gaudium et Spes để thực thi sứ mạng công dân. Theo ý riêng tôi, các ngài giả vờ ủng hộ bầu cử để có dịp cho giáo dân xem lại Hiến chế này. Theo lời dạy của Thánh Công Đồng, chúng ta cần phải làm gì?Trong số 40 của Hiến Chế Gaudium et Spes, Giáo Hội dạy: “nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn”. Từng con người trong xã hội phải cộng tác để gia đình, xã hội nên nhân đạo hơn. Mà muốn nhân đạo, phải loại trừ cái giả dối và cái ác. Bầu cử là giả dối, từ người ứng cử cho đến kết quả bầu cử đều giả dối, nếu người tín hữu đi bầu cử, có thể họ phạm tội loan truyền cái gian dối trong xã hội. Và như thế, làm gì có nhân đạo cho xã hội này?

Cách đây ít lâu, Đức Thánh Cha Benedicto dạy: “Và người tín hữu giáo dân công giáo phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong đời sống công cộng, phải hiện diện trong việc thiết định các tư tưởng đồng thuận cần thiết trong việc chống lại các điều bất công.” (Diễn văn mở đầu Thượng Hội Đồng Châu Mỹ La Tinh lần V, ở Aparecida).

Bầu cử ở Việt nam ngoài cái giả dối còn mang tính bất công: người có tài có đức thì không được ra tranh cử, kẻ được đưa ra thì chỉ có một tư cách duy nhất là người của đảng cộng sản. Người tín hữu chống lại bất công mà lại bỏ phiếu cho một điều bất công thì quả là bi hài.Giáo Hội cũng đã cảnh báo không ai có quyền nhân danh Giáo Hội để bắt người tín hữu làm theo ý riêng mình, không một ai. Thánh Công đồng nói rõ, cũng trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 43: “Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc Âm những giải pháp mà họ đề ra, mặc dầu nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Nhưng nên nhớ trong các trường hợp trên, không ai được độc quyền giành lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng”.Trong việc bầu cử, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói Giáo Hội hoàn vũ, tiếng nói của Toà Thánh, không một ai dù là chủ chăn, có quyền dạy điều trái ngược với Toà Thánh, và không một ai được bất tuân Giáo Hội, cho dù với lý do nghe theo chủ chăn ở địa phương.

Điều quan trọng là chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn để các ngài can đảm nói lời chân lý. Cũng trong số 43 nói trên, Thánh Công Đồng Vatican nói rõ: “Giáo Hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo Hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó rao giảng Phúc Âm”.

Con người yếu đuối, nhưng Giáo Hội mãi trường tồn. Chúng ta yêu mến Giáo Hội, vâng lời Giáo Hội và không quan tâm đến sự “yếu đuối nhân loại” của các vị hữu trách và không quan tâm đến những lời khuyên đi bầu cử vốn là kết quả của sự “yếu đuồi nhân loại” ấy.

Vi Sương, GNsP
Người Công Giáo Việt Nam Đi Bầu Cử Có Thể Phạm Tội Reviewed by Phụng Thiên on 5/18/2016 Rating: 5 GNsP: Nhiều người giáo dân Việt nam đang hoang mang trước ngày bầu cử tại Việt nam ngày 22 tháng 5 sắp tới. Hoang mang vì một đàng họ bi...

Không có nhận xét nào: