Vạch trần 6 âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc sau thử nghiệm bay ở Trường Sa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 1, 2016

Vạch trần 6 âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc sau thử nghiệm bay ở Trường Sa

Huy Long: Ngày 2/1/2016, Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước sự phản đối gay gắt từ phía Việt Nam (ngày 4/1, cả Nhật Bản và Philippines cùng lên tiếng lên án hành động sai trái này của Trung Quốc), người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược cho rằng: Chính phủ Trung Quốc sử dụng máy bay dân dụng bay thử nghiệm ở sân bay này nhằm mục đích kiểm tra cơ sở hạ tầng trong sân bay có phù hợp với tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không…
Có phân tích chỉ ra rằng, lời phát ngôn này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có hai hàm nghĩa: Một là, đá Chữ Thập đã trở thành “cảng hàng không trên đảo” nhân tạo xây dựng trái phép có diện tích lớn nhất ở Trường Sa; Thứ hai, mọi công tác xây dựng và hoạt động trái phép của Trung Quốc trên biển Đông sẽ không bị chi phối bởi các lực lượng bên ngoài”.

Theo bản tin trên trang quốc phòng Jane’s Defence Weekly của Anh, chiều dài đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập dài khoảng 3.100 mét, một số khu vực còn đánh dấu điểm cất cánh và hạ cánh của máy bay trực thăng. Điều này vạch rõ âm mưu của Trung Quốc: Có thể trở thành điểm cất cánh và hạ cánh của tất cả mọi loại máy bay: Máy bay chở khách hạng lớn, máy bay chuyên chở hạng lớn, máy bay cảnh báo sớm, máy bay trinh sát, máy bay oanh tạc cỡ lớn, máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu…

Trong tương lai, đá Chữ Thập chính là căn cứ quân sự quan trọng để Trung Quốc thực hiện mọi hoạt động phi pháp trên biển Đông, thậm chí là trung tâm chỉ huy các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Ngoài hoạt động xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, Trung Quốc đã hoàn tất việc lấp biển, xây đảo phi pháp trên 7 khu vực khác ở biển Đông, đồng thời tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trên khác khu vực này, trong đó bao gồm 7 cụm san hô: đá Gạc Ma, đá Xu Bi, đá Vành Khăn, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Châu Viên và đá Én Đất. Quy mô lấp biển của Trung Quốc trên 7 cụm san hô này đều rất lớn, đều sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cực lớn, cảng khẩu và sân bay. Khi những hòn đảo nhân tạo này hoàn công, Trung Quốc sẽ thực hiện được 6 âm mưu chiến lược và quân sự sau:

Một là, Trung Quốc sẽ có “cơ sở” để kêu gào lớn tiếng hơn cái gọi là “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải trên biển Đông”. Khi 8 hòn đảo nhân tạo này hoàn công toàn bộ, có thể dừng đỗ các loại máy bay quân sự, tàu chiến. Tàu hải cảnh và quân hạm của Trung Quốc đều có thể lượn lờ ở mọi khu vực trên biển Đông. Từ lâu, Trung Quốc luôn tự nhận vơ rằng, họ rơi vào thế bị động trong cục diện “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” (thực chất là do Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực) .

Khi xây dựng thành công 8 hòn đảo trái phép này, Bắc Kinh tin rằng cục diện này sẽ trở thành lịch sử. Từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm (một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh, thuộc quần đảo Hoàng Sa), rồi từ đảo Phú Lâm đến 8 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, căn cứ trên biển dựa vào sự kết nối đại lục này là cực kỳ nguy hiểm bởi nó sẽ phát huy nguồn năng lượng khó có thể tưởng tượng.

Thứ hai, các đảo nhân tạo xây trái phép sẽ giúp năng lực bảo vệ đường bay thương mại tăng lên rõ rệt. Trước đây, Trung Quốc thiếu năng lực bảo vệ đường bay thương mại từ biển Đông đến Ấn Độ Dương, kể cả sau này có tàu chiến hộ tống, nhưng do dọc đường biển thiếu căn cứ quân sự, lực lượng hải quân yếu và mỏng, năng lực tác chiến tiếp tế yếu và không bền vững, năng lực bảo vệ này đủ sức đối phó với hải tặc và tàu chiến của nước nhỏ, nhưng nếu phải đối đầu với lực lượng quân sự nước lớn sẽ rất khó đối phó.

Hiện tại, từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa, rồi đến “quần đảo phi pháp” trên quần đảo Trường Sa, ít nhất tuyến đường hàng hải này trên biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc (theo quan điểm bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh). Trong tương lai, Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự tại Srilanka, Pakistan, cộng hòa Djibouti (một quốc gia nằm ở Đông Phi), những căn cứ quân sự này sẽ hô ứng với các căn cứ quân sự trên biển Đông, năng lực bảo vệ tuyến đường hàng hải thương mại trên biển của Trung Quốc sẽ được nâng lên rõ rệt.

Thứ ba, năng lực kiểm soát và độ ảnh hưởng của Trung Quốc trên biển Đông và khu vực Đông Nam Á tăng lên rõ rệt. Nếu tính cả 8 hòn đảo nhân tạo xây dựng trái phép, Trung Quốc sẽ có 9 căn cứ quân sự trên biển Đông, đặc biệt là 8 đảo nhân tạo mới gia tăng trên quần đảo Trường Sa, sẽ nâng cao rõ rệt khả năng kiểm soát và sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên biển Đông và khu vực Đông Nam Á.

Có các căn cứ quân sự này, cộng với lực lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu Trung Quốc đang liên tục sản xuất và đưa vào phục vụ trong quân đội, hình thành nên khả năng răn đe đối với các nước có liên quan, vì việc Trung Quốc bố trí một hạm đội tàu chiến và lực lượng không quân trên biển Đông, tương lai có thể mạnh hơn rất nhiều so với lực lượng hải quân, không quân của cả quốc gia nằm trên biển Đông.

Thứ tư, những tháng ngày tàu chiến, máy bay quân sự của Mỹ tự do tuần tra trên biển Đông mà không bị kiểm soát sẽ kết thúc. Có 8 căn cứ quân sự này trên quần đảo Trường Sa, tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ không thể tự do tuần tra. Khi Trung Quốc đã hoàn thành các khâu bố trí lực lượng quân sự trên 8 hòn đảo nhân tạo này, có radar kiểm soát, máy bay Mỹ bay cách vài trăm cây số đã bị phát hiện, máy bay quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo sẽ nhanh chóng cất cánh và ngăn chặn. Còn về tàu chiến, chưa xuất cảng đã bị phát hiện.

Đương nhiên, trong thời gian ngắn, Trung Quốc vẫn chưa thể ép hải quân Mỹ ra khỏi biển Đông, sự đối sánh về thực lực quân sự của Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định điều này. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc đang ôm tham vọng hất cẳng tàu chiến và máy bay chiến đấu Mỹ ra khỏi biển Đông khi hoàn thành công tác xây dựng chuỗi đảo nhân tạo. Khi tất cả đã hoàn công, Trung Quốc sẽ “mặc cả” với Mỹ quy tắc đi lại trên biển Đông

Thứ năm, Trung Quốc sẽ thảo luận với các nước láng giềng bị Trung Quốc xâm chiếm quần đảo và vùng biển. Khi các căn cứ quân sự này đã được bố trí lực lượng xong xuôi, cùng với sự phát triển của tình hình quốc tế, Trung Quốc sẽ dần dần thực hiện kiểm soát thực tế khu vực. Nếu quốc gia nào đó không nhân nhượng, những lúc cần thiết, khi môi trường quốc tế cho phép, rất có thể Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực đánh chiếm một số hòn đảo (theo cách suy nghĩ nguy hiểm của giới quân sự diều hâu nước này).

Thứ sáu, nhất cử nhất động của các nước xung quanh đều sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, khi lực lượng quân sự được bố trí trên 8 hòn đảo này. Trung Quốc đang lấy cớ phải đối mặt với sự thách thức từ phía Mỹ và nhiều nước Đông Nam Á để đẩy mạnh việc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Huy Long- nguồn baomoi
Vạch trần 6 âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc sau thử nghiệm bay ở Trường Sa Reviewed by Phụng Thiên on 1/06/2016 Rating: 5 Huy Long: Ngày 2/1/2016, Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựn...

Không có nhận xét nào: