Dân chủ thật - dân chủ giả - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 1, 2016

Dân chủ thật - dân chủ giả

Phạm Đình Nhiên: Tự do là giá trị phổ quát không những của con người mà còn của muôn vật . Con chim không muốn bị nhốt trong lồng; con cá không muốn bị nhốt trong lu; con chó không muốn ở trong cũi; con người không ai muốn bị kẻ khác cầm giữ, sai khiến, bóc lột, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình và một khi bị bắt buộc ở trong tình trạng như thế thì con người mất quyền làm người, con người không có tự do, con người trở thành nô lệ.

Nhưng trải dài qua lịch sử tiến hoá, loài người có nhiều ngàn năm làm nô lệ khuân đá xây Kim Tự Tháp cho các Pharaon ở Ai Cập hay khuân gạch xây Trường Thành Vạn Lý, lăng tẩm, lâu đài cho vua chúa ở Trung Hoa … . Dưới chế độ quân chủ phong kiến, người dân giữ phận làm tôi con của triều đình, mọi thứ trông vào sự ban phát từ trên xuống. Gặp ông vua có đức biết thương dân thì được nhờ, gặp ông vua tàn bạo, u mê như Kiệt, Trụ ở Trung Hoa hay Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) ở Việt Nam thì người dân phải chịu khổ cực, giết hại.

Tới thế kỷ thứ 17, 18 văn hóa, khoa học, công nghệ của châu Âu phát triển, người dân Âu-Mỹ không còn bị huyễn hoặc rằng vua chúa được thượng đế ban phép cai trị dân chúng nên đã đứng lên đấu tranh lật đổ vương quyền để lập ra các chính quyền dân chủ. Theo gương Âu-Mỹ các dân tộc châu Á, châu Phi cũng bác bỏ chủ nghĩa tôn quân và vận động thiết lập các chính quyền dân chủ cho mình.

Nhưng con đường dân chủ của những dân tộc này không bằng phẳng mà thường đầy chông gai với những kẻ hoạt đầu lợi dụng ước vọng của người dân để lập ra những chế độ cực kỳ độc tài, tàn bạo đội dưới cái lốt dân chủ.

Những chế độc cực kỳ độc tài tàn bạo này lại luôn luôn lớn tiếng rằng chế độ của họ là dân chủ nhất, tự do nhất, dân chủ gấp ngàn lần các nước phương Tây đến nỗi Giáo sư Macpherson của Đại học Toronto trong chương trình “the Massey Lectures” phát thanh tháng 1&2 năm 1965 ở Canada đã chia ra 3 loại dân chủ: Dân chủ Tự do phương Tây, Dân chủ-Không Tựdo trong khối Cộng sản, Dân Chủ-Không-Tự-do trong những nước kém phát triển (Western liberal Democracy, non-liberal Democracy: the Communist Variant, non-liberal Democracy:Underdeveloped Variant – The Real World of Democracy, C.B. Macpherson, Oxford University Press 1966). Thật là chua chát: dân chủ mà không có tự do thì sao gọi được là dân chủ !

Giáo sư Macpherson đã soi ống kính vào những nền “dân-chủ-không-tự-do” này:

– Chế độ Dân chủ-Không Tự do Mác-Lê: Chủ nghĩa Mác-Lê dạy rằng khi giai cấp lao động lật đổ chế độ độc tài Tư bản thì phải thay vào đó bằng chế độ độc tài của giai cấp Vô sản (dictatorship of the proletariat) để xóa bỏ chủ nghĩa Tư bản và xây dựng chủ nghĩa Cộng sản, tức là giai cấp vô sản (proletariat) nắm quyền cai trị. Trong bản Tuyên ngôn Cộng sản 1848, Marx viết: “ The first step in the revolution by the working class is to raise the proletariat to the position of ruling class to win the battle of democracy” (Việc đầu tiên trong cuộc cách mạng của giai cấp lao động là đưa những người vô sản lên vị trí giai cấp cai trị để thắng trận chiến dân chủ).

Hậu quả những lời dạy của Marx (được Gs Macpherson nhắc lại kể trên) là sau năm 1917 ở Nga, sau 1945 ở các nước Đông Âu, sau 1949 ở Tàu … giai cấp vô sản chuyên chính cầm quyền đã giết hàng chục triệu người ở Nga, Tàu, hàng triệu người ở Campuchia… . Đó là những người có học, những người có uy tín như tu sĩ các tôn giáo, thân hào nhân sĩ ở địa phương, những người có đầu óc phán đoán độc lập, những người không hăng hái tuần hành (lừng khừng là phản động), hay phản đối mệnh lệnh của đảng Cộng sản, những người buôn bán giàu có, những nhà công nghệ, những nhà nông sung túc: Trí, phú, cường hào đào tận gốc trốc tận rễ.

Trong những nước cộng sản, mọi ý kiến, mọi tiếng nói chỉ trích hay phản đối đảng đều bị nghiêm trị bằng tù đày hay bắn giết. Người dân không được phép ra báo tư nhân hay nhà xuất bản tư nhân. Các phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo chí… đặt dưới quyền của Ban Khoa giáo, một cơ quan kiểm soát, quản trị, uốn nắn tư tưởng và dư luận.

Dùng chế độ hộ khẩu để giam giữ dân chúng ở đâu ở đấy, không cho nơi này liên lạc với nơi khác và dùng hộ khẩu kiểm soát toàn bộ đời sống của dân chúng: không có hộ khẩu sẽ bị bắt đưa đi tù; không có hộ khẩu sẽ không được mua lương thực, vải vóc, quần áo; không có hộ khẩu không thể xin việc làm, xin học hành cho con cái, không được chữa bệnh… .

Mọi người phải vào các tổ chức, hội đoàn. Già có hội già, trẻ vào đoàn, đội thanh thiếu niên cộng sản, nông dân vào nông hội, công nhân vào công đoàn… tất cả do đảng viên đảng CS kiểm soát và quản lý.

Trên danh nghĩa cái gì cũng của nhân dân: chính quyền nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, ngân hàng nhân dân, trường học, nhà máy, xí nghiệp nhân dân nhưng trên thực tế chính quyền, quân đội, công an là những bộ máy bảo vệ đảng CS, những bộ máy đàn áp, thống trị dân; nhà máy, xí nghiệp, ngân hàng, đất đai… nhà nước nắm hết.

Chỉ có nhà tù và nghĩa địa là thực sự của nhân dân.

– Chế độ Dân chủ-Không Tự do ở những nước kém phát triển: Những nước chậm hay kém phát triển phấn lớn nằm ở châu Á, châu Phi, nam Mỹ và hầu hết là thuộc địa của các đế quốc phương Tây trước đây. Những nước này chịu hậu quả nặng nề của thời thuộc địa: chia rẽ, nghèo đói, lạc hậu, tinh thần quốc gia yếu kém. Vì vậy, theo Gs. Mac pherson, các lãnh tụ lập ra những chính quyền mạnh – nói đúng ra là độc tài – với lý do giữ vững nền độc lập, thống nhất quốc gia và canh tân, xây dựng xứ sở. Họ cũng sử dụng chiêu bài dân chủ như cộng sản và những quyền tự do căn bản như tự do báo chí, xuất bản, hội họp, phát biểu, lập hội, ứng cử, bầu cử… đều bị cấm đoán hay hạn chế.

Trên thực tế, đó là Indonesia tuyên bố độc lập tháng 8/1945 và sống dưới chế độ độc tài của lãnh tụ Sukarno từ 1945 đến 30/9/1965. Ngày 30/9/1965 Trung tướng Suharto đảo chánh và lập chế độ độc tài mới cho đến khi dân chúng nổi loạn buộc phải từ chức tháng 5/1998, từ đó Indonesia mới lập được chế độ dân chủ. Ở Miến Điện, sau khi thoát khỏi sự đô hộ của người Anh ít lâu thì tướng Newin lên nắm quyền áp dụng chế độ độc tài theo mô hình Xã hội chủ nghĩa 26 năm, đưa đất nưóc Miến tới nạn nghèo đói, rối loạn nên một nhóm tướng lãnh nổi lên đảo chính lập ra Hội đồng Hoà bình và Phát triển do tướng Than Shwe cầm đầu. Cho đến bây giờ Miến may ra mới thoát khỏi bàn tay quân phiệt cai trị.

Trung Đông là Irak với Sadam Hussein, Syrie với cha con nhà Assad; Châu Phi là Tunisie với tướng Ben Ali, Lybie với gia đình Gadafi; châu Mỹ Latin với các Hội đồng quân phiệt cai trị ở Argentine, Brasil, Uruguay … .

Khác với các nước độc tài đảng trị cộng sản, những chế độ độc tài này không có một chủ thuyết duy nhất – chủ thuyết cộng sản – và cách tổ chức không giống nhau nhưng giống các nước cộng sản ở chỗ tàn ác, tham nhũng, bất tài và đưa những nước đó đến suy bại kinh tế làm dân chúng nghèo đói, thống khổ (*) .

Những nước độc tài này – cộng sản hay không cộng sản – đều ngụy tạo ra một bộ mặt dân chủ để đánh lừa dân chúng và rêu rao với thế giới rằng họ là những chế độ dân chủ và dân chủ gấp ngàn lần Anh, Mỹ, Pháp, Nhật… . Họ cũng có Hiến pháp, có Tổng thống, Chủ tịch nước (cộng sản), Quốc hội do dân chúng bầu ra. Hiến pháp của họ cũng có những đìều khoản tôn trọng nhân quyền, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do cư trú, tự do tôn giáo… .

Trên thực tế, những điều ghi trong Hiến pháp về nhân quyền và tự do chỉ đưa ra làm cảnh nhằm đánh lừa dân chúng và thế giới nên không bao giờ được áp dụng mà chỉ có những bộ luật hình sự mơ hồ và khắc nghiệt được ban hành để bỏ tù những người đòi hỏi thực thi quyền tự do và quyền làm người đã ghi trong Hiến pháp !

Về Tổng thống (hay Chủ tịch nước) và Quốc hội thì trong các nước cộng sản do Trung ương đảng hay đúng hơn do Bộ Chính trị họp mật với nhau đưa ra danh sách bắt dân chúng bầu (đảng chọn, dân bầu). Khi đi bầu, người ta ghi số thứ tự của thẻ cử tri vào phiếu bầu để biết người ấy bầu cho ai. Những người bầu không đúng sẽ bị ghép tội chống đảng, tội phản động. Ai không đi bầu sẽ bị công an đến tận nhà bắt phải đi! Nên ở những nước cộng sản số cử tri đi bầu được nhà nước công bố có tỷ lệ rất cao, thường là 100% hay 98, 99% , các lãnh tụ luôn luôn rêu rao được 100% và nếu khiêm tốn thì cũng 98, 99% dân chúng bỏ phiếu !

Trong những nước độc tài khác, vì không có một chủ thuyết duy nhất như cộng sản nên mức độ độc tài và sự thưc hiện chế độ độc tài khác nhau. Có những nước độc tài triệt để như chính quyền Pinoche ở Chilia, Gadafi ở Libya, bọn quân phiệt ở Argentina với những vụ tàn sát, thủ tiêu, bắt bớ giam cầm hàng loạt nhưng cũng có những nước giới hạn sự bắt bớ giam cầm nhưng hạn chế, kiểm duyệt báo chí như Mã Lai, Pakistan , Tây Ban Nha (thời Franco)… .

Về bầu cử và ứng cử ở những nước này cũng có những mức độ và hình thức khác nhau: độc diễn – chỉ các đảng viên đảng cầm quyền mới có quyền ra ứng cử (tương tự như cộng sản) và các ứng cử viên được chọn lọc (đã mua chuộc) ra ứng cử để làm cảnh hay dùng thủ đoạn hăm dọa, kể cả ám sát những người ứng cử đối lập, gian lận, mua phiếu và cuối cùng nếu thua thì không công nhận, hủy bỏ kết quả bầu cử .

Đó là trường hợp Miến Điện: Khi thấy kết quả cuộc bàu Quốc hội năm 1990 đảng Liên minh toàn quốc vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo thắng hơn 80% ghế, Ủy ban quân phiệt Miến không công nhận và quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi 15 năm (trước và sau ngày bầu cử) cộng với chế độ quản chế 6 năm, tất cả là 21 năm .

Đó cũng là trường hợp của Côte d `Ivoire trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010. Dù kết quả đã được Liên hiệp quốc kiểm chứng, Tổng thống đương quyền Laurant Gbagbo bị thua đã không chịu bàn giao quyền hành, gây nên chiến tranh. Liên hiệp quốc gửi quân tới giữ hoà bình không xong nên Pháp phải đem quân đội tới bắt Gbagbo mới yên. ( còn tiếp)

Ghi chú:

– (*) Những nước cộng sản có cả một hệ thống lý thuyết và phương pháp thực hành sự tàn bạo và che đạy khéo léo nên nhiều triết gia, văn nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới như Jean Paul Sartre ở Pháp, Jan Fonda ở Mỹ, Trần đức Thảo, Nguyễn mạnh Tường ở Việt Nam . . . nhầm lẫn nghe theo rồi vỡ mộng.


Nguồn: BVN
Dân chủ thật - dân chủ giả Reviewed by Phụng Thiên on 1/06/2016 Rating: 5 Phạm Đình Nhiên: Tự do là giá trị phổ quát không những của con người mà còn của muôn vật . Con chim không muốn bị nhốt trong lồng; con ...

Không có nhận xét nào: