Vào TPP: Việt Nam Phải Thỏa Mãn Cả Luật Lập Hội Lẫn Luật Công Đoàn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 11, 2015

Vào TPP: Việt Nam Phải Thỏa Mãn Cả Luật Lập Hội Lẫn Luật Công Đoàn

Phạm Chí Dũng: Có lẽ Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Quốc hội đang tính đến khả năng không thể đình hoãn vô thời hạn dự Luật về hội và không thể chậm sửa Luật công đoàn, vì hai luật này càng bị chậm trễ thì càng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình Việt Nam được xem xét gia nhập Hiệp định TPP vào cuối năm 2015 và trong nửa đầu năm 2016.

Không thể trì hoãn


Ba tháng sau chuyến công du của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Washington, mặc dù chưa một cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm nào của nhà nước Việt Nam chịu tuyên bố chính thức, song đại đa số dư luận xã hội trong và ngoài nước đều biết nhà nước này đã phải chấp nhận định chế Công đoàn độc lập để đổi lấy một suất ăn trong bữa tiệc mang tên TPP.

Hãy trở lại với Công ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và quyền tự do công đoàn là quyền cơ bản của người lao động. Quyền này là một trong những yếu tố thể hiện nền dân chủ và sự phát triển của một quốc gia. Tôn trọng nguyên tắc tự do công đoàn là việc làm hàng đầu để các mối quan hệ trong hoạt động nghề nghiệp được vận hành tốt, và để cho nền dân chủ của một quốc gia được phát huy tích cực.

Về khung pháp lý, có hai luật liên quan mật thiết đến quyền tự do lập hội (freedom of association) là Luật lập hội và Luật công đoàn.

Được đưa ra “lấy ý kiến rộng rãi” từ giữa năm 2015, bất ngờ vào tháng 9 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quyết định hoãn việc thông qua Luật về hội. Lý do ông Hùng viện dẫn là “còn có nhiều ý kiến khác nhau” về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định “Hội có tư cách pháp nhân”. Còn tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10/2015, Luật về hội cũng không nằm trong danh sách được thông qua mà chỉ “cho ý kiến”.

Thế nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn thường thay đổi như chong chóng. Chỉ một tháng sau khi đột ngột quyết định “nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn” việc thông qua Dự luật về hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại nêu ý kiến “cần thể hiện rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do lập hội” trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 10/2015.

Cho đến cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sáng 19/10/2015, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bất ngờ thông báo: “Quốc hội sẽ bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự”.

Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo ông Phúc, là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp. Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc hội sẽ bàn tại kỳ họp này được ông Phúc nhắc đến như Luật về hội, Luật tôn giáo tín ngưỡng…

Đây là lần đầu tiên cụm từ “Xã hội dân sự” được một cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội nêu ra một cách chính thức. Còn trước đây, cụm từ này thậm chí còn bị kiêng kỵ tại các cuộc họp nội bộ khi nhiều quan chức không dám đụng đến vì sợ bị người khác coi là “mất lập trường”. Một câu chuyện truyền khẩu được kể lại: trong một cuộc họp quan trọng về nội chính vào năm 2012, khi nghe cấp dưới nhắc đến “xã hội dân sự”, một phó chủ tịch tỉnh liền đập bàn: ‘Ông mà còn nói ra từ này thì tôi kỷ luật ông liền”.

Tuy nhiên tình thế đảng hiện thời đã chông chênh hơn nhiều. Không còn ung dung ngự trị trên ngai vàng, nhiều quan chức đảng thậm chí còn đang tâm tưởng về trời Tây hầu mong tìm hậu sự khỏi bị đổ máu cho mình.

Từ năm 2013, phía Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng và tạo điều kiện cho xã hội dân sự hoạt động. Đến cuối năm 2013 khi Việt Nam được xếp một ghế tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, yêu cầu này tiếp tục được nêu ra. Cũng từ khi đó, các tổ chức xã hội dân sự độc lập liên tiếp hình thành ở Việt Nam, để đến ngày hôm nay đã lên đến gần 30 tổ chức.

Có vẻ Luật về hội vẫn còn cơ hội để ló mặt trong năm nay.

Chế tài TPP

Không chỉ phải ban hành Luật về hội, nhà cầm quyền Việt Nam còn đang đứng trước đòi hỏi phải sửa ngay Luật công đoàn - liên đới mật thiết đến quyền tự do nghiệp đoàn của công nhân.

“Chúng tôi tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Lao động Quốc tế, mà Việt Nam là thành viên. Chúng tôi sẵn lòng đáp ứng được vấn đề lao động này”, sau khi TPP kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã cam kết như thế.

Liệu có thể tin được cam kết này? Nếu làm đúng theo cam kết đó, sửa luật cũng là sửa một phần hệ thống chính trị.

Các cụm từ sẽ phải lược bỏ ở Điều 1, Luật công đoàn 2012 là: “tổ chức chính trị - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” và “bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

So với quy định về quyền tự do công đoàn, Luật công đoàn Việt Nam vẫn còn xa mới đảm bảo quyền tham gia thành lập và gia nhập công đoàn của người lao động.

Tại điều 1 của Luật công đoàn 2012, mặc dù nhà nước Việt Nam thừa nhận quyền tự do công đoàn của tất cả mọi người, song nhà nước này lại không chấp nhận chế độ đa nguyên công đoàn, mà bắt buộc người lao động chỉ có thể tham gia vào một công đoàn duy nhất trong hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy thế, vấn đề giờ đây không còn là nhà nước Việt Nam muốn hay không trong việc thực thi quyền tự do nghiệp đoàn của người lao động, mà mọi thứ đã được gắn chặt với các quy định của TPP.

Theo Insidetrade.com trong bài viết có tên “U.S.-Vietnam 'Consistency Plan' Links Tariff Benefits To Labor Compliance”, Việt Nam đã đồng ý với Mỹ về kế hoạch triển khai thực hiện các bước để đáp ứng những đòi hỏi của chương về lao động trong TPP. Mỹ sẽ gắn điều kiện dỡ bỏ thuế quan đối với việc thực hiện cam kết về lao động của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiến hành các bước để cải thiện “quyền tự do nghiệp đoàn” khi TPP có hiệu lực. Việt Nam có khoảng thời gian là 5 năm để thực hiện cam kết. Cam kết này cho phép người lao động được thành lập công đoàn, mà không bị buộc phải liên kết với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi của pháp luật Việt Nam cho phép các công đoàn “độc lập” có thể hoạt động sau khi đăng ký với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Một quy định khác gọi là “cross-affiliation” (tạm dịch là “liên kết chéo”), cho phép các công đoàn độc lập địa phương tại các nhà máy trong cùng một lĩnh vực có thể liên kết với nhau, hoặc có thể tạo thành một liên đoàn lao động cấp rộng lớn hơn với công đoàn các ngành khác. Sau giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, Mỹ sẽ có hai năm để đánh giá xem liệu Việt Nam đã tuân thủ các nghĩa vụ về liên kết chéo này hay không. Trong thời gian hai năm đó, nếu Mỹ thấy Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ, họ sẽ thông báo, tiến hành tham vấn, và sau đó có quyền đơn phương đình chỉ việc dỡ bỏ thuế quan (đối với những loại thuế chưa thực hiện vào thời điểm đó).

Thời gian và cơ hội còn rất ít cho một quyết định khẩn cấp. Với thông báo công khai về chấp nhận sự hiện diện của xã hội dân sự trong đời sống xã hội và chính trị ở Việt Nam, có lẽ Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Quốc hội đang tính đến khả năng không thể đình hoãn vô thời hạn Luật về hội và không thể chậm sửa Luật công đoàn, vì hai luật này càng bị chậm trễ thì càng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình Việt Nam được xem xét gia nhập Hiệp định TPP vào cuối năm 2015 và trong nửa đầu năm 2016.

Tham khảo: http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-sua-luat-cong-oan-5-nam-cho-oi-cho.html
Vào TPP: Việt Nam Phải Thỏa Mãn Cả Luật Lập Hội Lẫn Luật Công Đoàn Reviewed by Unknown on 11/09/2015 Rating: 5 Phạm Chí Dũng: Có lẽ Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Quốc hội đang tính đến khả năng không thể đình hoãn vô thời hạn dự Luật về hội và ...

Không có nhận xét nào: