Giáo Hội Công Giáo Tại Việt Nam: Nhạy Cảm Và Cân Bằng – Phần 1 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 10, 2015

Giáo Hội Công Giáo Tại Việt Nam: Nhạy Cảm Và Cân Bằng – Phần 1

GNsP (21.10.2015) – UCANews – Từ sáng sớm đến chiều tối, tín hữu Công Giáo vẫn không ngưng tìm đến nhà thờ Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Trong dòng xe tấp nập của phố thị, nhiều người dừng lại đôi ba giây để làm dấu thánh giá, người khác thì đến thinh lặng cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ và những người khác thì tìm đến với các cha để xin giúp đỡ cả về tài chính và về những vấn đề trong gia đình của họ. Ngày nào cũng thế, phòng hòa giải của Giáo xứ không bao giờ vắng bóng hối nhân.

Cha Giuse Giang cho biết ngài đã phục vụ tại đây được 4 năm rồi và “ngày càng có đông người đến đây.” Theo cha “Giáo Hội công giáo đang phát triển và tình hình ngày càng khả quan hơn. Nhưng cũng không tránh khỏi các trở ngại vì nhà cầm quyền vẫn muốn kiềm chế các hoạt động của giáo hội.” Tuy nhiên “đó không phải là vấn đề quan trọng.”

Sự sống động tại Nhà Thờ Chúa Cứu Thế là một dẫn chứng cho sức sống của Giáo Hội và cũng phản ánh sự nhạy cảm trong đời sống tôn giáo tại đất nước này. Giới trẻ thì vẫn đối diện với những cái mới mẽ của thời đại mới và sự tăng trưởng kinh tế trong khi lớp già thì vẫn hoài niệm về những dấu tích xưa cũ của Giáo xứ. Bà Maria, một giáo dân cho biết ngôi trường tiểu học kế bên nhà thờ và hồ bơi phía bên kia nhà thờ đã từng là một phần tài sản của giáo hội. Đã có thời, Giáo Hội đã nắm giữ vai trò quan trọng nhất của quốc gia. “Hồi xưa, cả khu vực này chỉ toàn đất và sình lầy. Chỗ tôi đang đứng là một con kênh. Khi dân chúng ùa về đây thì các cha càng phát triển khu vực. Nhưng đó là trước năm 1975. Ngày nay thì các cha cũng làm nhưng làm chỉ được ít thôi.” Với lớp người già này, sự sụp đổ của Sài Gòn không những là sự sụp đổ của cuộc sống nhưng còn là sự sụp đổ của tôn giáo.

Thời đó, Giáo Hội Công Giáo nắm giử phần lớn đất đai tại Việt Nam. Tại một số tỉnh phía Bắc, hơn một phần tư dân số là người Công giáo. Sau khi cộng sản lên nắm quyền vào năm 1954, ước tính có khoảng 750.000 người Công giáo đã phải di cư vào miền Nam, làm cho số tín hữu tại miền Nam tăng đột ngột. Dưới thời Tổng thống Diệm, người Công giáo giữ các vị trí cốt cáng trong xã hội. Theo nhà sử học Anthony James Joes, sau cuộc di cư năm 1954, 1/7 người Sài Gòn là người Công giáo.

Sau biến cố Tháng Tư năm 1975, miền Bắc chiếm quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam, Cộng sản ít nhân nhượng cho vấn đề về tôn giáo và càng ít nhân nhượng hơn cho một tôn giáo đã từng có liên quan đến chế độ thực dân và đã từng chống Việt Minh.

Người Công giáo ở Việt Nam chiếm khoảng 7% dân số. Đạo Công giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai tại VN.

Các cuộc đàn áp tàn bạo

Sau tháng Tư 1975, đàn áp tôn giáo diễn ra ngay lập tức và diễn ra một cách hết sức tàn bạo. Một linh mục dòng Tên cho biết 12 linh mục, chiếm một nửa tổng số linh mục của dòng vào thời đó đã bị bỏ tù. “Họ không lãng phí thời gian và các biện pháp khác nhau để chống lại giáo hội Công Giáo tại miền Nam Việt Nam.” Nhà khoa học – chính trị gia Nguyễn Văn Canh viết trong cuốn Việt Nam dưới thời cộng sản:1975-1982 rằng “họ buộc giáo hội phải giao [tài sản] cho đảng CS và Giáo Hội bị can thiệp đến những vấn đề nội bộ”. “Bắt bớ và đe dọa là chuyện phổ biến. Nhà nước sắp xếp lịch làm việc sao cho giáo dân không thể tham dự Thánh Lễ. Các cuộc bắt bớ chống lại các tín hữu diễn ra tại một số cộng đoàn và giáo xứ.”

Dưới thời mở cửa, sách nhiễu từ phía chính quyền có vẻ giảm đi nhưng không phải đã kết thúc. Năm 2013, hai nhà hoạt động trẻ Công giáo đã bị bắt giữ và tuyên án 4 năm tù vì bị khép vào tội âm mưu lật đổ chính quyền. 2 bạn trẻ này thuộc nhóm 17 thanh niên Công Giáo và Tin Lành cũng bị bắt vào cùng năm 2013. Họ bị tuyên án từ 3 đến 13 năm tù giam vì đã tổ chức cuộc biểu tình ôn hòa kêu gọi tự do ngôn luận.

Tuy mang tín ôn hòa, nhưng các hoạt động tôn giáo vẫn bị theo dõi và bị kiểm soát. Cho đến tận bây giờ, một nhóm các nhà lãnh đạo liên tôn vẫn thường xuyên gặp gỡ tại Dòng Chúa Cứu Thế để thảo luận về những thách thức họ phải đối mặt. Theo một thành viên của nhóm, họ phải thay đổi chỗ gặp vì một số thành viên tham gia không được chính phủ phê duyệt.

“Tây Ninh là vùng có nhiều sắc tộc khác nhau nên viêc loan báo tin mừng gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả việc làm lễ tại các làng dân tộc cũng không phải là chuyện dễ. Các cha phải nộp đơn xin chính quyền. Hiện nay, tuy tình hình không có cải thiện vượt bậc nhưng các tín hữu đã không còn bị bắt khi vào làng dân tộc.” Tuy chính quyền vẫn liên tục sách nhiễu, nhưng một vài vùng truyền giáo tại tây nguyên cũng đang phát triển, đặt biệt tại những vùng đã có dấu chân của các nhà truyền giáo từ hơn một thế kỷ trước. Chị Maria K’Lien, người dân tộc K’Ho cho biết: “Chúng tôi vẫn xây dựng thêm các nhà thờ mới và chúng tôi không gặp khó khăn gì về phía chính quyền cả.”bBạn Teresa, một sinh viên 23 tuổi cho biết “Số tín hữu gia tăng phần đông là từ các vùng này. Giáo Hội ngày càng được biết đến nhiều hơn và số tín hữu tại các khu vực nông thôn ngày càng gia tăng.”

“Trên giấy tờ thì chúng tôi có tự do tôn giáo. Nhưng thực tế thì tôn giáo luôn bị kiểm soát, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Việc xây dựng nhà thờ hoặc các sinh hoạt tôn giáo căn bản cũng không phải là chuyện dễ.” Một linh mục dòng Tên cho biết.

Trinh Nguyen dịch

Nguồn: http://www.ucanews.com/news/for-vietnamese-catholics-a-delicate-balance/74412
Giáo Hội Công Giáo Tại Việt Nam: Nhạy Cảm Và Cân Bằng – Phần 1 Reviewed by Unknown on 10/21/2015 Rating: 5 GNsP (21.10.2015) – UCANews – Từ sáng sớm đến chiều tối, tín hữu Công Giáo vẫn không ngưng tìm đến nhà thờ Chúa Cứu Thế, Sài Gòn. Trong d...

Không có nhận xét nào: