“Tự Do Tôn Giáo” Trong Trại Giam, Bước “Tiến Bộ” Của Dự Thảo 5 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 9, 2015

“Tự Do Tôn Giáo” Trong Trại Giam, Bước “Tiến Bộ” Của Dự Thảo 5 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo?

GNsP (13.09.2015) – Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (lần 5) này được nhà cầm quyền đưa ra thảo luận vào đầu tháng 9.2015, nội dung về quyền “Tự do Tôn giáo” trong Nhà tù đã tỏ ra có “tích cực” hơn khi qui định tại khoản 3 Điều 4: “Người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện có tín ngưỡng hoặc tín đồ tôn giáo phải chấp hành nội quy, quy định của nơi giam, giữ, các cơ sở quản chế này và được sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo”.

“Tích cực” bởi đã mở rộng đối tượng cụ thể, không chỉ “người đang bị giam, giữ”, mà chỉ rõ các đối tượng: “Người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện”; và “luật hóa” quyền “được sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo”, chứ không chỉ “được đáp ứng nhu cầu cá nhân…”

Thế nhưng, ngay cả những “tích cực” này cũng chưa “đáp ứng” quyền Tự do Tôn giáo, vi hiến và vi phạm chính qui định của Luật này nêu ra. Song song đó vẫn tồn tại những “kẽ hở” để những người thực thi pháp luật “làm khó” hay từ chối quyền căn bản của con người, quyền Tự do Tôn giáo. Ngay “đối tượng” cũng tưởng “mở rộng” mà thực chất là “bó hẹp”. Vì lẽ, những “người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện” hoàn toàn không phải là “tội phạm”, trái lại họ là những “nạn nhân”, “bệnh nhân” sao lại phải xếp chung và “hạn chế” chung với “những người đang chấp hành hình phạt tù”?

“Tích cực” khi Dự thảo 5 cản trở quyền tự do tôn giáo hà khắc hơn và vi hiến.


Trước hết, Hiến pháp qui định quyền tự do Tôn giáo, theo hoặc không theo một Tôn giáo nào, không ai được xâm phạm …(Điều 24). Đồng thời chính Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (lần 4 và lần 5) cũng minh định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”, nghiêm cấm “1. Phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo”. Thế nhưng Dự thảo (lần 5) này lại qui định chỉ Người bị tạm giữ, Phạm nhân, thậm chí Người bị cai nghiện bắt buộc (tức hoàn toàn có đầy đủ quyền công dân)…là “tín đồ” mới được “bày tỏ niềm tin Tôn giáo mà mình tin theo”. Như vậy, nội dung Dự thảo Điều luật này đã vi hiến, vi phạm điều nghiêm cấm: xâm phạm, cản trở, ép buộc… quyền tự do “theo một Tôn giáo”. Vì lẽ, không phải là Tín đồ, “mọi người” vẫn có quyền được sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin. Và vẫn có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin đối với cả Tôn giáo mà mình “không tin theo”. Thậm chí là sử dụng kinh sách để tìm kiếm niềm tin. Hạn chế chỉ “tín đồ” mới được “bày tỏ niềm tin Tôn giáo mà mình tin theo” là vi phạm quyền tự do tìm kiếm “theo một Tôn giáo”.

Dự thảo 5 “tích cực” khi người bị tạm giữ, Phạm nhân muốn thực hiện quyền tự do tôn giáo phải ‘nhận tội’.


Kế tiếp, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã nêu ra khá nhiều những “khái niệm” mơ hồ, tùy tiện, mà chúng tôi sẽ phân tích ở một bài khác, mục đích nhằm dễ dàng hạn chế quyền Tự do Tôn giáo… bằng chính pháp luật. Dự thảo Luật “chia” ra: Sinh hoạt Tôn giáo (khoản 7 Điều 2) và Hoạt động Tôn giáo (khoản 8 Điều 2). Trong Sinh hoạt Tôn giáo lại tiếp tục “chia”: thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ niềm tin tôn giáo. Và những người trong nhà tù cộng sản chỉ được thực hiện “bày tỏ niềm tin tôn giáo”, không được “thờ cúng, cầu nguyện”? Không được truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi? Nếu, không được “thờ cúng, cầu nguyện”, không được “thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi” thì “bày tỏ niềm tin Tôn giáo” bằng cách nào? Phạm nhân có được “đáp ứng” ăn chay để “bày tỏ niềm tin Tôn giáo” vào những ngày theo Giáo luật? Có được “bày tỏ niềm tin Tôn giáo” bằng đọc kinh, cầu nguyện, thực hành giáo lý “bác ái, yêu người”?

Còn “sử dụng kinh sách”, có buộc “kinh sách” phải do “nhà nước” ấn hành? Có được giữ hay chỉ được sử dụng? Sử dụng thường xuyên hay chỉ sử dụng vào những ngày Lễ, tết?

Chưa kể, nội dung dự thảo xem ra “tiến bộ” này đã không để cụm chữ “theo qui định…nội qui nơi giam, giữ” ở cuối câu, nên dễ “đánh lừa” người đọc. Mà để nó ở phần trên: “phải chấp hành nội quy, quy định của nơi giam, giữ, các cơ sở quản chế này” rồi mới “được sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo”. Như thế, không “nhận tội” là “không chấp hành nội qui” nhà tù thì có được sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin? Và lại quay trở về như dự thảo lần 4, liệu nhà tù có đặt ra qui định “sử dụng kinh sách” và qui định cách thức “bày tỏ niềm tin…” tùy tiện rồi buộc Phạm nhân “chấp hành qui định”? Nếu “không chấp hành” nội quy nơi giam, giữ, các cơ sở quản chế thì đương nhiên -Luật qui định- không “được sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo mà mình tin theo”.

Kết luận, Dự thảo luật chỉ cần xác định lại nội dung- chính nhà cầm quyền này đã ký kết tham gia- về Tự do Tôn giáo tại Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền là “quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo”. Và hãy học thuộc chân lý được Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nhắc nhở: “Tự do Tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ xin- cho”.

Pv.GNsP

Nguồn: http://www.tinmungchonguoingheo.com/…/tu-do-ton-giao-trong…/
“Tự Do Tôn Giáo” Trong Trại Giam, Bước “Tiến Bộ” Của Dự Thảo 5 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo? Reviewed by Unknown on 9/13/2015 Rating: 5 GNsP (13.09.2015) – Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (lần 5) này được nhà cầm quyền đưa ra thảo luận vào đầu tháng 9.2015, nội dung về q...

Không có nhận xét nào: